Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Nhà thờ lớn Hà Nội


  Nếu như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột được xem là dấu ấn của kiến trúc Phật Giáo, đậm chất Á Đông thì Nhà thờ lớn Hà Nội được xem là nhà thờ mang đậm dấu ấn của kiến trúc và nền văn minh châu Âu.

  Nhìn vào lịch sử của một công trình kiến trúc bất kỳ, chúng ta có thể dễ dàng luận về văn hoá, văn minh của thời kỳ đó. Nếu như thời nhà Lý, với sự phát triển mạnh mẽ của đạo Phật, các chùa chiền được xây dựng khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Đến thời Nguyễn thì đạo Thiên Chúa phát triển rộng rãi. Đặc biệt là từ khi người Pháp sang Việt Nam, họ đã để lại dấu ấn nền văn minh của mình ở xứ sở thuộc địa bằng cách xây rất nhiều các nhà thờ. Công trình kiến trúc tiêu biểu thời đó chính là Nhà thờ lớn Hà Nội.


Hình ảnh
Nhà thờ lớn Hà Nội (còn gọi là Nhà thờ Saint Joseph) được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, được mô phỏng kiểu kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris của Pháp. Đây có thể xem là một trong những công trình kiến trúc nổi bật của đạo Thiên chúa giáo, là sự giao thoa văn hoá giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo, giữa phương Đông và phương Tây. Nhà thờ hiện nay nằm trên khu đất rộng ở số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh
Cũng như rất nhiều nhà thờ khác ở Việt Nam, nhà thờ lớn Hà Nội đã được bản địa hoá bằng các chi tiết chạm trổ, sơn son thếp vàng mang đậm nét văn hoá dân gian Việt Nam. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi. Tuy nhiên, về phần kết cấu thì vẫn được xây theo lối kiến trúc Gôtich trung cổ, nhưng không được tỉ mỉ và chi tiết như các nhà thờ châu Âu, đặc biệt là ở Pháp.

Hình ảnh


Hình ảnh


Nhà thờ do chính Giám mục Puginier tự tay vẽ kiểu và chỉ huy thi công xây dựng. Đây là một nhà thờ tiêu biểu cho lối kiến trúc Gotich với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Phong cách này được phát triển mạnh mẽ nhất ở châu Âu vào khoảng thể kỷ XII. Kiến trúc Gôtích được xem là một bước tiến vượt bậc, là đỉnh cao khoa học kỹ thuật xây dựng đương thời. Nhà thờ lớn Hà Nội mang đặc trưng rõ nét nhất của kiến trúc Gôtích đó là tường được xây cao, mái vòm và có nhiều cửa sổ.


Hình ảnh


Phía trong sảnh nhà thờ có một cửa đi lớn, giữa là hai lối cửa nhỏ ở hai bên tháp. Các cửa ra vào và cửa sổ đều cuốn nhọn, kết hợp với các cửa là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hoà tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ rất tinh vi và độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Hình ảnh


Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp. Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ được làm bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá.
Hình ảnh

Hình ảnh

Thời gian trôi qua, người dân Hà thành đã quen thuộc và chấp nhận hình ảnh của nhà thờ lớn như một biểu tượng văn hoá mới. Sẽ là thiếu sót nếu không nói tới những ảnh hưởng của văn hoá Pháp thể hiện trong văn hoá của Hà Nội hôm nay, cũng như không thể bỏ qua những khu biệt thự Pháp cổ khi nói về kiến trúc thủ đô. Nằm trong dòng chảy ấy, nhà thờ lớn nay đã trở thành một phần không thể tách rời của Hà Nội. Nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của những con chiên ngoan đạo mà còn của mọi tầng lớp dân cư Hà thành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Kết nối bạn bè - Chia sẻ đam mê!