Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010

Văn Miếu Quốc Tử Giám và lối kiến trúc Phương Đông

    Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý, xưa thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Bốn mặt đều là phố, cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Quần thể kiến trúc này nằm trên diện tích 54331m2 bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám, trường học cao cấp đầu tiên của Việt Nam.

Tổng thể: 


Hình ảnh

   Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám dường như khá quen thuộc với những ai đang sống và làm việc ở Hà Nội. Hầu như ai trong số chúng ta, khi đặt chân tới thủ đô Hà Nội sẽ chọn Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong những nơi đặt chân đầu tiên. 

   Văn Miếu ngày nay là khu đất hình chữ nhật, chia ra 5 khu. Khu thứ nhất bắt đầu với cổng chính Văn Miếu Môn. Chân cửa có đôi rồng đá mang phong cách Lê sơ (thế kỷ XV). Khu thứ hai bắt đầu với cửa Đại Trung Môn, hai bên có hai cổng nhỏ mang tên Thành Đức và Đạt Tài. Ở hai khu này có đường thần đạo đi giữa vườn cây và bốn thửa ao vuông. Tiếp đến khu thứ ba bắt đầu với Khuê Văn Các (gác sao Khuê, sao chủ đề văn học) xây dựng đầu thế kỷ XIX. Hai bên gác cũng có hai cổng nhỏ mang tên Bỉ Văn (văn đẹp đẽ) và Súc Văn (văn hàm súc). Ở giữa khu này có một hồ vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) có tường bao. 


   Hai bên hồ là hai khu vườn bia dựng các tấm bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ. Hiện nay có 82 tấm bia của 82 khoa thi, xưa nhất là bia ghi về khoa thi năm 1442 và gần nhất là khoa thi năm 1779. Qua cửa Đại Thành tới khu thứ tư, một cái sân gạch trải rộng hai bên có hai dãy nhà tả vu và hữu vu. Cuối sân là nhà Đại Bái và Hậu Cung có kiến trúc đẹp, hoành tráng, nơi thờ ông tổ đạo Nho: Khổng Tử và các học trò nổi tiếng của ông… Tại đây còn có một số hiện vật quý như quả chuông đúc năm 1768, bốn nghiên đá có chữ Thái học nghiễn đường, một tấm khánh niên đại thế kỷ XIX và rất nhiều hoành phi, câu đối giàu giá trị văn học và triết lý. Khu thứ năm là đất trường Quốc tử giám thời Lê. Sang đời Nguyễn, sau khi trường Giám dời vào Huế, khu này trở thành điện Khải Thánh, thờ song thân Khổng Tử. 
Hình ảnh


   Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám xưa bao gồm cả hồ đằng trước cổng. Hiện nay, hồ bị cắt dời khỏi khu quần thể di tích Văn Miếu bởi phố Văn Miếu. Nguyên nhân là do vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã quy hoạch và xây dựng lại thành phố Hà Nội. Họ đã mở đường cắt ngang khu Văn Miếu để giao thông thuận tiện hơn.

Hình ảnh

   Quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ mang đặc trưng của lối kiến trúc Phương Đông mà còn mang đậm dấu ấn văn hoá Việt Nam. Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn được xây một cách đối xứng, cân đối hài hoà giữa các khu và ở trong từng khu. Sự cân đối hài hoà ấy không chỉ thể hiện ở mặt thẩm mỹ, ở công năng sử dụng mà phải hài hoà về mặt âm dương. Theo quan niệm của phương Đông, một công trình kiến trúc tồn tại lâu dài thì yếu tố về cân bằng Âm dương và Ngũ hành phải đạt đến mức độ chuẩn mực.


   Khi các yếu tố về Âm dương và Ngũ hành cân bằng – tức là tính thẩm mỹ, tính hài hòa và cân đối cao – thì tự bản thân công trình sẽ có tác động tích cực đến ý thức con người, khiến người ta trân trọng và có ý nghĩ bảo tồn nó. Không chỉ ở Văn Miếu mà ở rất nhiều những đền chùa miếu mạo xưa đều được xây dựng theo bố cục đối xứng trong toàn bộ tổng thể qua trục chính để tạo cân bằng cho công trình.

   Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám được xây dựng dựa trên sự hài hoà về thiên nhiên và con người. Khu chính của quần thể được lấy làm trung tâm, phía trước mặt có hồ nước, phía sau dựa vào núi. Điều này ta cũng thấy rất rõ ở nhiều chùa hay những ngôi nhà Bắc Bộ xưa, phía trước nhà hay chùa luôn có một chiếc ao nhỏ như để hứng lấy ánh sáng của trời đất. Ở chùa thường có thêm những hòn non bộ để tạo nên sự cân đối hài hoà giữa con người và vũ trụ.

Hình ảnh


   Nổi bật ở khu quần thể này là Khuê Văn Các- một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng năm 1805 (triều Nguyễn), gồm 2 tầng, 8 mái, tầng dưới là bốn trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ, bốn mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng. Hai bên (phải và trái) Khuê Văn là hai cổng Bí Văn và Súc Văn. Khuê Văn Các thường là nơi tổ chức bình các bài văn thơ hay của các sĩ tử. Ngày nay, Khuê Văn Các còn được lấy làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội.


Hình ảnh


Điêu khắc trang trí

Rồng:


   Đối với các nước phương Đông, con rồng là kiệt tác sáng tạo nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Trên thực tế, rồng chỉ là sản phẩm của nghệ thuật, vì nó không tồn tại trong thế giới tự nhiên mà là sự sáng tạo nghệ thuật siêu tự nhiên. Cùng với sự phát triển của lịch sử, từ lâu các nước phương Đông hình thành nên quan niệm phổ biến về con rồng, tổng hợp trong con vật linh thiêng này là trí tuệ, tín ngưỡng, niềm tin, lý tưởng, nguyện vọng, sức mạnh.

Hình ảnh

Trang trí những nơi linh thiêng bằng những linh vật dường như đã thành một quy chuẩn trong bất cứ công trình kiến trúc lớn nào của nhân loại. Ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, con rồng thể hiện cho tâm linh, gắn liền với vua và là biểu hiện ước mong mưa thuận gió hoà trong dân gian. 

   Ở Văn Miếu, các kiểu tượng đá hình rồng cũng được bày trí ở các bậc cửa ra vào. Các dạng trang trí hình rồng phát triển theo từng thời kỳ và mang những đặc điểm mỹ thuật khác nhau. Phía ngoài cổng có đôi rồng đá cách điệu thời Lê và bên trong có đôi rồng đá thời Nguyễn.

Rùa: 


   Rùa làm đế bia còn thể hiện nghệ thuật khắc đá tinh xảo, công phu trong đường nét. Trên mặt bia có các dây hoa lá quanh diềm bia theo đường ngoằn ngoèo liên tục không đứt quãng, chen hình hoa cúc, hoa sen, hình bánh xe, đồng tiền. Rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam chứng tỏ rùa là loài vật chuyển tải thông tin và văn hóa.

Hình ảnh


   Trong một số ngôi chùa thời Lý – Trần, rùa được chạm thành tường bằng đá làm bệ đội bia. Dáng rùa đầu to, mập, vươn ra khỏi mai, mõm thuôn nhọn, mắt nhỏ, bốn chân khép sát vào thân mai. 82 tấm bia đã ghi tên tiến sĩ đỗ đạt được đặt trên lưng rùa, một con vật biểu hiện sự trường tồn, hiện còn lưu giữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội là bằng chứng hùng hồn biểu hiện nền văn hiến bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh

Hoa văn: 

   Văn Miếu được xây dựng và tu sửa trong vòng 3 thế kỷ (từ 1484 - 1780) nên những hoa văn trang trí cũng được điêu khắc một cách tinh xảo và điêu luyện hơn. Trong Văn Miếu Quốc Tử Giám là cả một công trình điêu khắc, một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn bởi nghệ thuật điêu khắc chữ trên đá, điêu khắc các linh vật như rùa, rồng...
 
   Bên cạnh đó, những hình hoa văn trang trí, chạm khắc trên gỗ ở các gian nhà là một nét độc đáo, thể hiện văn hoá của dân tộc Việt. Kiến trúc cổ truyền với những hoa văn họa tiết đặc sắc được chạm khắc trên chất liệu gỗ đã phản ánh lịch sử và nét văn hoá qua mỗi thời kỳ, không gian của tổng thể di tích đã làm cho kiến trúc tôn giáo này không chỉ đặc sắc mà còn gợi mở về những ngôi nhà xưa của đồng bằng Bắc Bộ. 

   Người Việt xưa luôn thích sự dàn trải trong không gian kiến trúc, vì thế dẫn tới xu hướng phát triển chiều rộng mà không vươn tới chiều cao đó cũng là cách gửi gắm những khát vọng của những cư dân trồng lúa nước xưa kia. Hoa văn trên kiến trúc, đôi khi chỉ là những nét chấm phá rất mộc mạc nhưng cũng rất hình tượng.

Vật liệu

  Gỗ: Kiến trúc cổ Việt Nam luôn lấy gỗ làm vật liệu xây dựng cơ bản và tạo đặc trưng riêng cho nền kiến trúc của mình. Đặc biệt, các khu nhà thuộc tổng thể Văn Miếu Quốc Tử Giám hầu hết được dựng nên bằng gỗ lim với các cột, kèo, xà... Những cột bằng gỗ lim làm cho công trình thêm chắc chắn và ổn định hơn.


Hình ảnh


   Ngói lợp mái truyền thống của Việt Nam là ngói mũi hài, còn gọi là ngói vẩy rồng. Ngói mũi hài mang đậm nét nghệ thuật của các triều Lê, Nguyễn. Kết hợp giữa ngói và triền mái cong cong kiểu Trung Hoa tạo nên sự thanh thoát, lấy cảm hứng từ mũi thuyền của nền văn hoá sông nước.

Hình ảnh


   Gạch: Có thể nói, kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một khu di tích đặc biệt của thủ đô Hà Nội, được bao quanh bởi những viên gạch vồ cỡ lớn. Sân của các khu nhà lại được lát bằng gạch bát truyền thống. Tổng thể công trình ẩn hiện dưới những vòm cây toát lên một không khí thâm nghiêm cổ kính và rất đỗi huyền bí.

Hình ảnh


   Đá: Đá được dùng để điêu khắc các con vật như rùa, rồng hay các bậc thềm đi vào các khu nhà trong di tích Văn Miếu. Đá cũng là loại vật liệu không thể thiếu trong kiến trúc cổ. Ở Việt Nam còn có rất nhiều các công trình dùng đá làm vật liệu chính như Thành nhà Hồ (Thanh Hoá), Chùa Phát Diệm (Ninh Bình)...

Hình ảnh

   Giá trị thẩm mỹ của kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ được tạo bởi không gian kiến trúc đột phá nhưng lại hòa quyện với không gian xung quanh nó mà hơn nữa là sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, là thành phẩm của công trình kiến trúc vĩnh cửu trước thời gian.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Kết nối bạn bè - Chia sẻ đam mê!